Start up – Khởi nghiệp là thuật ngữ đã không còn quá xa lạ trong nền kinh tế thị trường thế giới. Và trong những năm gần đây, khởi nghiệp được biết tới và lan truyền rộng rãi tại Việt Nam.Có rất nhiều câu chuyện khởi nghiệp thành công trong giới kinh doanh mà chúng ta không khỏi ngưỡng mộ và tự hào về con người Việt Nam. Nếu bạn cũng đang mang trong mình sự nhiệt huyết của tuổi trẻ với ý định khởi nghiệp thì đừng bỏ qua những bài học quý giá từ những bậc “ tiền bối ” mà chúng tôi đề cập ngay bên dưới nhé!
1.Đặng Lê Nguyên Vũ – Vua cà phê và câu chuyện khởi nghiệp
Nhắc tới cà phê Trung Nguyên, chắc hẳn không thể không nhắc tới cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ. Từng là một sinh viên đại học ngành y khoa, với mong muốn thoát nghèo, chàng trai trẻ năm ấy đã quyết định tạm gác lại việc học để lên Sài Gòn thực hiện giấc mơ với vỏn vẹn 100.000 đồng trong túi. Tuy nhiên, nhờ câu nói : “ Cứ học xong đi đã ” và sự thúc giục, lo lắng của người chú ruột đã khiến ông thay đổi quyết định và quay trở lại trường học tập và tốt nghiệp Đại học với ý chí quyết tâm làm giàu luôn nung nấu trong đầu.
Nhận ra thị trường cà phê của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, tuy là nước có sản lượng cà phê xuất khẩu đứng thứ hai thế giới nhưng hình ảnh nhận diện thương hiệu vẫn chưa thực sự mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Điều này đã thôi thúc ông nghiên cứu và học hỏi, chế biến ra những loại cà phê ngon để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Cũng trong thời gian này, ông tìm kiếm được 3 người cộng sự đồng hành cùng mình trong quá trình khởi nghiệp, cùng nhau tìm kiếm những nguồn cung cấp đồng thời không ngừng trau dồi và tích lũy thêm những kiến thức về cà phê. Trời không phụ lòng người, sau những tháng ngày miệt mài, cố gắng, “ đứa con tinh thần ” Trung Nguyên ra đời.
Từ 2003, Trung Nguyên phát triển mạnh mẽ dưới hình thức nhượng quyền kinh doanh với sự hậu thuẫn từ đội ngũ chuyên gia tư vấn kinh doanh đến từ New Zealand. Những năm sau đó, các cửa hàng cà phê Trung Nguyên có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ khách hàng. Câu chuyện khởi nghiệp của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tuy không còn là mới nhưng luôn là động lực truyền cảm hứng cho không ít bạn trẻ khởi nghiệp ngày nay.
2.Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức – Ngã ở đâu đứng dậy ở đó
Xuất thân từ một gia đình làm nông nghèo và đông con tại vùng đất Gia Lai nắng gió, ngay từ nhỏ, cậu bé Đức đã mang trong mình ước mơ thoát khỏi cảnh nghèo khó. Sau 4 lần thi Đại học tại TP.HCM đều không đậu, ông Đức quyết định về Gia Lai làm thuê và mở một phân xưởng nhỏ vào năm 1990 sau một thời gian dài gây dựng vốn. May mắn thay, khoảng năm 1991, Đoàn Nguyên Đức gặp gỡ và nhận được lời mời hợp tác kinh doanh từ một chuyên gia người Đài Loan. Đây cũng là nền tảng cho những năm tiếp theo, ông mạnh dạn xuất khẩu những sản phẩm từ gỗ của công ty Hoàng Anh Pleiku do mình làm chủ sang các nước lớn như : Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Úc,…và thắng lớn.
Từ năm 2000, ông Đức “ lấn sân ” sang các lĩnh vực khác như : khai thác khoáng sản, sản xuất bao bì, du lịch, bất động sản,..và chính thức đổi tên doanh nghiệp thành Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Tuy không phải lĩnh vực nào đầu tư vào cũng sẽ có lợi nhuận ngay từ đầu và cũng gặp không ít khó khăn, thử thách nhưng ông luôn đặt kim chỉ nam “ Ngã ở đâu đứng dậy ở đó ” làm mục tiêu và lèo lái con tàu Hoàng Anh Gia Lai vươn lên phát triển mạnh mẽ. Đến năm 2008, công ty chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán và trở thành “ ông lớn ” trong ngành đầu tư bất động sản cho đến tận bây giờ.
40 năm miệt mài lao động và cống hiến, với khối tài sản giá trị ròng lên đến vài chục nghìn tỉ đồng, người đàn ông có nụ cười hiền từ ấy vẫn đang cố gắng từng ngày với khát vọng đưa doanh nghiệp Việt Nam và bóng đá Việt Nam vươn tầm thế giới.Câu chuyện của ông Đoàn Nguyên Đức đã minh chứng cho chúng ta một điều rằng : Không quan trọng xuất phát điểm của bạn từ đâu mà quan trọng là bạn đã nỗ lực như thế nào.
3.Hành trình từ khởi nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam - Phạm Nhật Vượng với câu chuyện khởi nghiệp luôn là đề tài được nhắc đến trên nhiều diễn đàn kinh doanh. Với thành tích học tập xuất sắc, người con đến từ vùng đất Hà Tĩnh đã giành được học bổng du học tại Matxcova. Đây cũng chính là cơ hội khiến cuộc đời ông rẽ sang một bước ngoặt lớn. Sau khi tốt nghiệp Đại học, không trở về nước mà quyết định chọn Ukraine làm nơi để khởi nghiệp, ông mở một quán ăn tại cao tốc Aminevshoe. Sau đó, ông chuyển đến Kiev mở một nhà hàng với số vốn vay 10.000 USD. Đến năm 1993, ông Vượng thành lập nhà máy sản xuất mì ăn liền và những sản phẩm đóng gói khô. Những mặt hàng của ông có sức lan tỏa chóng mặt và được ưa chuộng đến mức bán được hơn 1 triệu gói mì trong 1 năm. Từ năm 2000, với khối tài sản tích lũy trong nhiều năm, ông Vượng trở về Việt Nam và đầu tư vào các lĩnh vực như : bất động sản, hàng hóa bán lẻ, thương mại điện tử,…
Hai thập kỉ đã qua đi, giờ đây, nếu ở Việt Nam chắc chắn bạn sẽ không thể không biết đến Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với hệ thống các chuỗi cửa hàng, showroom, chung cư, siêu thị,…ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Khởi nghiệp - Câu chuyện nghe thì dễ nhưng không phải ai cũng có bản lĩnh để đứng lên khởi nghiệp và chấp nhận đương đầu với những khó khăn, thử thách và mức độ rủi ro cao. Vì vậy, để khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công, chúng ta nên có một nền tảng kiến thức cũng như vốn tích lũy. Đừng ngần ngại tìm hiểu và học hỏi những kinh nghiệm từ người đi trước một cách chọn lọc, làm tiền đề để tạo ra con đường riêng phù hợp với bản thân. Cũng như câu nói của Lỗ Tấn vậy : “Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi ”.