Khởi nghiệp là con đường đầy thử thách và khi chọn con đường này, chúng ta phải học cách chấp nhận đối mặt với rất nhiều khó khan, rủi ro có thể xảy ra. Vậy để chuẩn bị sẵn sàng để khởi nghiệp, chúng ta cần trang bị cho bản thân những gì ? Và những sai làm thế hệ trẻ ngày nay thường hay mắc phải khi khởi nghiệp là gì? Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm câu trả lời nhé!
Thứ nhất : Nguồn vốn
Khởi nghiệp thành công cần có ý tưởng và sự quyết đoán trong mọi việc thôi chưa phải là đủ. Yếu tố quan trọng đầu tiên đó là bạn phải có một nguồn vốn nhất định để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Nếu thiếu vốn thì mọi ý tưởng của bạn chỉ dừng lại ở trong suy nghĩ, hoặc nếu thực hiện cũng sẽ mắc phải tình trạng “ đầu voi đuôi chuột ”, khó có thể thành công được. Bởi vậy, ngoài một ý chí quyết tâm, hãy tích lũy cho mình một nguồn vốn vững vàng bạn nhé! Có như vậy thì bạn mới tránh khỏi tình trạng vừa làm vừa phải lăn tăn về vấn đề tiền bạc hoặc mắc một số nợ để khởi nghiệp.
Thứ hai : Nguồn nhân lực
“ Muốn đi thật nhanh hãy đi một mình, muốn đi thật xa hãy đi cùng nhau ” – Trên con đường thành công của bất kì ai cũng không thể thiếu hình bóng của những người cộng sự, những trợ thủ đắc lực. Để đánh giá được nguồn nhân lực mình đang làm chủ có tốt hay không phải trải qua một quá trình đào tạo, làm việc mới có thể đưa ra đánh giá khách quan được. Và với những người trẻ khởi nghiệp, kinh nghiệm quản trị nhân lực chưa có nhiều thì đây là một điều thách thức đối với các bạn. Tuy nhiên cũng đừng vì vậy mà chùn bước nhé! Bởi vì chỉ cần bạn có đủ bản lĩnh và đủ kinh nghiệm thì việc đào tạo một đội ngũ nhân lực không phải là điều quá khó khăn.
Thứ ba : Thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong hành trình khởi nghiệp
Đây là vấn đề chung không chỉ đối với các nhà khởi nghiệp. Ngay cả đối với những doanh nghiệp lâu năm, chỉ cần trong kế hoạch định hướng của bạn không cụ thể và rõ ràng cũng có thể dẫn tới hậu quả đi vào ngõ cụt và phá sản. Vì vậy, để khởi nghiệp thành công, bạn hãy chuẩn bị một bản kế hoạch thật đầy đủ và chi tiết từ chiến lược, lộ trình cho đến những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình đi vào vận hành kinh doanh. Có như vậy, khi rơi vào những tình huống khó khăn, các bạn mới không bị mất kiểm soát và khắc phục sự cố một cách ổn thỏa nhất để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho mình. Có những người rất chú trọng vào lý thuyết trên sách vở nhưng kinh nghiệm thực chiến lại không có. Bạn nên trang bị đầy đủ cho mình cả kiến thức lẫn kinh nghiệm, không thể chỉ chuẩn bị tốt một trong hai vì như vậy sẽ rất dễ mắc phải những sai lầm phải trả giá bằng tiền đấy nhé!
Thứ tư : Áp lực về thời gian
Với những nhà khởi nghiệp, một ngày 24h với họ chưa bao giờ là đủ. Bởi họ chưa thực sự quản lý và phân bổ được quỹ thời gian một cách hợp lý nên đôi khi thời gian bỏ ra nhiều mà lợi nhuận lại không được bao nhiêu. Và sau một khoảng thời gian dài thì việc người chủ phải bù lỗ vào các khoản chi phí cho hàng hóa, mặt bằng, nhân lực là điều không tránh khỏi. Đó là lý do tại sao trước khi bước chân vào con đường khởi nghiệp, chúng ta phải có mục tiêu rõ ràng về doanh thu và thời gian thu hồi vốn.
Cuối cùng : Áp lực trước những vấn đề cần đưa ra quyết định quan trọng
Bước vào hành trình khởi nghiệp đồng nghĩa với việc phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Trong những lúc cấp thiết, bạn cần phải đưa ra những quyết định kịp thời, đôi khi đó còn là quyết định sống còn của doanh nghiệp và đồng thời phải chịu trách nhiệm với những quyết định đó. Bởi vậy đó cũng chính là áp lực mà hầu hết nhà kinh doanh nào cũng gặp phải. Nhưng bạn đừng quá lo lắng nhé! Bởi vì nhờ những trải nghiệm như vậy, bạn mới có nhiều kinh nghiệm hơn và đưa ra được những định hướng phát triển phù hợp hơn với doanh nghiệp của mình.
Trên đây là những khó khăn mà chúng ta thường rất dễ gặp phải khi mới khởi nghiệp. Sẽ có những thành công đồng thời những thất bại mà bạn sẽ được trải nghiệm qua. Tuy nhiên chúng tôi tin rằng, chỉ cần bạn kiên trì, nỗ lực hết mình thì bạn sẽ nhận được những “ trái ngọt ” là phần thưởng. Vì vậy chớ thấy song cả mà ngã tay chèo, bạn nhé!